5 CON GÀ VÀ TRÁI TRỨNG 4000 ĐỒNG
Câu Chuyện Của Bà Thanh, Tổ Hợp Tác Đăk Rmăng- DakNong.
Trước đây, tổ hợp tác của bà Thanh được biết đến là một đơn vị chuyên cung cấp gà và trứng cho thị trường. Nhưng gần đây, bà chia sẻ việc nuôi gà không thu được lợi nhuận thậm chí là lỗ vốn. Nguyên nhân thứ nhất là do ảnh hưởng của COVID-19 khiến người tiêu dùng mất thu nhập nên không có nhu cầu mua sản phẩm. Nguyên nhân thứ 2, do trong khu vực những người dân nuôi heo do dịch tả ở heo nên đã chuyển hết sang nuôi gà, cung vượt quá cầu dẫn đến không thể tiêu thụ gà được.Ngay lúc ấy, bà nhanh chóng suy nghĩ đến một phương cách là sẽ tiếp cận những thị trường có nhu cầu cao như Sài Gòn, Hà Nội. Bà quyết định mang theo 5 con gà sống và 1 thùng trứng đi xe khách xuống Sài Gòn để chào hàng. Tuy nhiên, khi xuống xe, 5 con gà của bà đã chết mất 3 con và trứng cũng bị bể mất gần 10 trái. Bà đã tìm đến một cửa hàng nông sản sạch tại TPHCM để chào hàng, chủ cửa hàng yêu cầu chị đưa hàng để kiểm tra và sau đó đã chấp nhận mua trứng của chị với giá 4000 đồng/ quả. Bà rất mừng khi mình bán được hàng, sau 3 tháng bà quay lại cửa hàng nông sản sạch và thấy rằng quả trứng mình nhập cho cửa hàng là 4000 đồng/ quả nay cửa hàng bán ra với giá 12000 nghìn/ quả. Sau những sự việc trên, bà Thanh nhận thấy nông dân bỏ công sức, tâm huyết lớn để có được những trái trứng gà sạch, an toàn, dinh dưỡng cao nhưng lợi nhuận thu được chỉ chưa đến 1000 đồng/quả. Trong khi các cửa hàng chỉ thu mua và bán lại mà lợi nhuận lên đến 8000 đồng/quả. Bà Thanh ngậm ngùi chia sẻ “Sản phẩm của chúng tôi chỉ được thừa nhận chứ không được công nhận”. Bà rút ra kinh nghiệm rằng:
Vận chuyển hàng sống vừa khó khăn, vừa bất tiện mà lại gây ra hao hụt
Cần phải xây dựng tên tuổi để có chỗ đứng trên thị trường và nâng cao được giá thành sản phẩm để thích đáng với công sức người nông dân bỏ ra.
Sau tất cả những việc bà đã trải qua, bà quyết định chuyển nuôi gà sang nuôi chim trĩ. Chim trĩ có giá trị dinh dưỡng cao, sức đề kháng tốt nên giảm được tỷ lệ hao hụt, lượng tiêu tốn thức ăn chỉ bằng ½ so với gà và giá thì cao gấp 3 lần. Chính vì lẽ đó, bà đã nhân rộng mô hình chim trĩ ra khắp các thành viên và xây dựng mô hình nuôi chim trĩ khép kín.Tổ hợp tác của bà cung cấp con giống tại chỗ, trồng cỏ xay làm thức ăn cho chim trĩ. Như vậy việc chuyển hóa linh hoạt sản phẩm đã giúp tổ hợp tác ĐăkR’Măng:
Giải quyết được tình hình khó khăn trước mắt
Tăng thêm thu nhập nhờ tạo ra sản phẩm có giá thành cao
Mô hình khép kín, tự tạo nguyên liệu đầu vào vừa tiết kiệm chi tiêu, vừa an toàn lại vừa tăng được lợi nhuận.
Lựa chọn sản phẩm phù hợp giảm được rủi ro, thất thoát
Ngoài ra, bà Thanh còn chia sẻ thêm về mảng nông nghiệp của tổ hợp tác của mình. Trước đây, Tổ hợp tác từng phun rất nhiều thuốc cho cây sầu riêng. Việc làm này khiến đầu vào gia tăng mà sản phẩm đầu ra lại không an toàn. Hiện nay, những vườn sầu riêng ở tổ hợp tác ĐăkR’Măng không những không phun thuốc diệt cỏ mà còn trồng thêm cỏ và tủ để tạo chất dinh dưỡng cho vườn cây.
Qua câu chuyện của mình, bà Thanh cũng rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật: mong muốn được hỗ trợ thêm vốn vì tại địa bàn bà sinh sống việc vay vốn khá khó khăn và bà cũng mong được hỗ trợ các kỹ thuật cấp đông, hút chân không để bảo quan sản phẩm và có thể mang sản phảm đến mọi miền Tổ quốc mà không sợ hư hỏng.