Theo Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, cần có định nghĩa chính thống về cà phê đặc sản, có phân biệt cà phê đặc sản với cà phê hữu cơ và phát triển cà phê đặc sản phải gắn với thị trường.
Ngày 9/12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ban Quản lý dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững Việt Nam (VnSAT) tổ chức Hội thảo xây dựng Đề án phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.
Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam được triển khai từ năm 2019 thí điểm tại 8 tỉnh là Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, tập trung vào 2 giống chính là cà phê vối và cà phê chè. Đề án nhằm cụ thể hóa phương hướng phát triển cà phê đặc sản Việt Nam đến năm 2030, với mục tiêu khẳng định chất lượng thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung, tăng thu nhập cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị cà phê nói riêng.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp cho biết, sau 1 năm thực hiện điều tra tại các tỉnh thí điểm, kết quả cho thấy, khu vực Tây Nguyên và vùng núi phía bắc có nhiều yếu tố phù hợp để phát triển sản xuất cà phê đặc sản.
“Trong các mẫu do Viện thu thập và tiến hành phân tích ở vùng Tây Nguyên, cả 5 tỉnh đều có các mẫu đạt tiêu chuẩn về chất lượng cà phê đặc sản. Các tỉnh khác nếu đẩy thêm các điều kiện đi kèm như công tác giống, đầu tư và đưa các giải pháp tiến bộ kỹ thuật, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu hái sẽ đạt chất lượng cà phê đặc sản”, ông Dũng chỉ rõ.
Nguồn: Báo Nông nghiệp ĐăkLăk